Phần lớn ca bệnh trong dịch Covid-19 vẫn tập trung tại Trung Quốc đại lục , với 77.150 người nhiễm và 2.592 người tử vong. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tuần trước gọi dịch Covid-19 là "tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng lớn nhất" của đất nước.
Nhân viên y tế nghỉ ngơi tại lối vào một bệnh viện ở Daegu ngày 23/2. Ảnh: AFP . |
Ông nhấn mạnh cần học hỏi từ "những thiếu sót rõ ràng được phơi bày" trong cách xử lý dịch. AFP đánh giá đây là sự thừa nhận hiếm có của một lãnh đạo Trung Quốc. "Đây là cuộc khủng hoảng đối với chúng ta và là một thử thách lớn", ông Tập nói.
Số liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy diễn biến dịch đang khả quan hơn. Hơn 20 tỉnh thành bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Hà Nam và An Huy ngày 24/2 báo cáo không có ca nhiễm mới - số lượng nhiều nhất kể từ khi dịch khởi phát tại Vũ Hán tháng 12/2019. Không tính tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đại lục ngày 24/2 ghi nhận 11 trường hợp mới, con số thấp nhất kể từ khi Ủy ban Y tế Quốc gia bắt đầu công bố số liệu ngày 20/1.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đã bày tỏ hoài nghi về số liệu của Trung Quốc khi nước này liên tục thay đổi phương pháp tính chỉ trong vòng một tuần và vài lần đính chính số ca nhiễm mới trong bản cập nhật hàng ngày. Ngày 13/2, Hồ Bắc thông báo đưa cả những ca được chẩn đoán lâm sàng nhiễm virus (chẩn đoán dựa trên các triệu chứng phù hợp với Covid-19 và chụp CT) vào số liệu ca nhiễm mới. Nhưng ngày 19/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ra chỉ đạo , yêu cầu chỉ công nhận các ca nhiễm nCoV nếu xét nghiệm axit nucleic cho kết quả dương tính, đảo ngược quyết định của Hồ Bắc.
Jonathan Read, nhà dịch tễ học tại Đại học Lancaster ở Anh, cho rằng định nghĩa "ca nhiễm" đôi khi cần phải được chỉnh sửa khi giới chức ngày càng hiểu thêm về bệnh. Nhưng số liệu được thống kê với phương pháp không nhất quán khiến các học giả khó hình dung được bức tranh toàn cảnh về xu hướng dịch.
Một số địa phương ở Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng hạn chế. Tỉnh Vân Nam và Quý Châu ngày 24/2 hạ mức phản ứng khẩn cấp từ cấp một xuống cấp ba, trong khi tỉnh Quảng Đông và Sơn Tây hạ xuống cấp hai. Hệ thống phản ứng với các vấn đề y tế khẩn Dịch thuật miền trung tại Đà Nẵng Blog cấp của Trung Quốc có 4 cấp độ, trong đó cấp một là nghiêm trọng nhất. Cam Túc và Liêu Ninh cũng đã hạ thấp mức phản ứng vào cuối tuần trước.
Vũ Hán, thành phố bị phong tỏa từ 23/1, sáng nay thông báo nới lỏng vòng kiềm tỏa. Người khỏe mạnh được phép rời khỏi thành phố nếu có lý do quan trọng. Tuy nhiên, thông báo này được rút lại vào buổi chiều. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các doanh nghiệp quay trở lại làm việc mặc dù ông nói rằng dịch bệnh vẫn "nghiêm trọng và phức tạp, công tác phòng ngừa và kiểm soát đang ở giai đoạn khó khăn và quan trọng nhất".
Những nơi có bệnh nhân nCoV. Bấm vào hình để xem chi tiết. |
Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ hai sau Trung Quốc đại lục, với 833 người nhiễm, 7 người tử vong. Tĩnh lặng đang bao trùm tâm dịch Daegu, thành phố lớn thứ tư đất nước. Đường phố vắng vẻ, các cửa hiệu và nhà hàng đóng cửa, ga tàu, chợ và siêu thị không còn người qua lại. Chỉ vài người dám ra ngoài nhưng đeo khẩu trang và găng tay. Asiana Airlines dừng các chuyến bay đến thành phố cho đến 9/3, Korean Air áp dụng biện pháp tương tự cho đến 28/3.
Hơn một nửa ca nhiễm nCoV ở Hàn Quốc liên quan tới giáo phái Tân Thiên Địa . Nữ tín đồ 61 tuổi, được gọi là "bệnh nhân 31", được cho là đã lây cho hàng chục người khác khi đi lễ tại nhà thờ của giáo phái. Ngoài giáo phái Tân Thiên Địa, bệnh viện Daenam ở quận Cheongdo, tỉnh Bắc Gyeongsang, là nơi ghi nhận số ca nhiễm nhiều thứ hai.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 23/2 nâng cảnh báo nCoV lên mức cao nhất. Ông cũng thúc giục các quan chức chính quyền không do dự trong việc sử dụng "các biện pháp quyết liệt chưa từng có" nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan.
"Nếu chúng ta không thể ngăn chặn sự lây lan ở khu vực Daegu một cách hiệu quả, có khả năng cao dịch sẽ lan ra toàn quốc", Thứ trưởng Y tế Kim Kang-lip nói.
Tại Nhật , hầu hết hành khách đã rời du thuyền Diamond Princess, ổ dịch lớn thứ ba thế giới, sau khi hết hạn cách ly 14 ngày vào 19/2. Giới chức ghi nhận 691 ca nhiễm trên tàu, ba hành khách tử vong. Ngoài du thuyền, Nhật ghi nhận 146 ca, một người tử vong.
Một số chuyên gia đã chỉ trích cách Nhật xử lý ổ dịch. Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato cuối tuần trước xin lỗi vì để 23 hành khách của Diamond Princess rời tàu dù họ chưa làm xét nghiệm do nhầm lẫn. Giới chức sau đó phát hiện một hành khách được "thả" nhầm dương tính với nCoV.
Người dân đeo khẩu trang ở Casalpusterlengo, Italy ngày 23/2. Ảnh: AFP . |
nCoV cũng đang gieo rắc nỗi sợ ở miền bắc Italy khi khu vực này ghi nhận số lượng ca nhiễm tăng đột biến trong tuần qua. 157 người nhiễm, ba người tử vong, chủ yếu ở các thị trấn nhỏ thuộc vùng Lombardy và Veneto. Italy phong tỏa các thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất và cấm tụ họp ở phần lớn miền bắc, bao gồm cả dừng lễ hội ở Venice và hủy các sự kiện ở Milan.
Tình hình ở bắc Italy đã khiến những nơi khác ở châu Âu lo ngại. Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer cho biết một tổ công tác chống dịch Covid-19 sẽ họp vào 24/2 để thảo luận có nên áp đặt biện pháp kiểm soát biên giới với Italy hay không.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran thông báo ông sẽ sớm nói chuyện với các đồng nghiệp châu Âu để thảo luận cách đối phó trong kịch bản dịch lan rộng ở châu Âu.
nCoV đã bắt đầu lây lan mạnh ở Trung Đông sau khi Iran phát hiện hai ca nhiễm nCoV đầu tiên vào ngày 19/2. Trong chưa đầy một tuần, số ca nhiễm ở Iran đã tăng lên 47 và 12 người tử vong, hầu hết ở thành phố thiêng Qom. Đáng ngại hơn, một nghị sĩ nước này cáo buộc Bộ Y tế Iran "nói dối" và khẳng định có tới 50 người Iran chết vì nCoV.
Kuwait và Bahrain ngày 24/2 phát hiện ca nhiễm đầu tiên, đều là người trở về từ Iran. Afghanistan cũng phát hiện ca đầu tiên tại Herat, nơi giáp biên giới với Iran, nâng số quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca nhiễm nCoV lên 34. Arab Saudi, Kuwait, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan áp đặt giới hạn nhập cảnh đối với người đi từ Iran.
Những diễn biến trên toàn thế giới này, với hơn 2.600 ca tử vong và gần 80.000 ca nhiễm, đang khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Covid-19 đã nghiêm trọng đến mức được gọi là "đại dịch" hay chưa. Năm 2009, WHO từng tuyên bố dịch cúm lợn H1N1 là "đại dịch", tức có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng toàn cầu. Tuy nhiên, dịch này sau đó được coi là không quá nghiêm trọng, khiến WHO hứng chỉ trích là phóng đại vấn đề.
Phát ngôn viên WHO ngày 24/2 nói rằng họ đã "không còn sử dụng hệ thống phân loại mức độ nghiêm trọng cũ mà một số người có thể quen thuộc từ năm 2009" và cho biết họ hiện không có hạng mục "đại dịch". Phát ngôn viên nhấn mạnh WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào ngày 30/1.
"Tôi muốn đảm bảo với bạn rằng chúng tôi theo dõi virus này 24/7", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói cuối tuần trước. "Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn có thể ngăn chặn được dịch nhưng cánh cửa cơ hội đang thu hẹp".
Phương Vũ (Theo Reuters )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét