Ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng, Tổng giám đốc Công ty xe du lịch Trịnh Gia, ở TP HCM, cho biết 35 đầu xe lớn nhỏ của công ty đã ngưng hoạt động từ ngày 15/3.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 2, đội xe bắt đầu bị ảnh hưởng nặng nề vì vắng khách. Với thực trạng "nằm im", mỗi tháng công ty phải trả lãi và gốc cho ngân hàng 680 triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí bến bãi từ 1 triệu đến 1,8 triệu đồng/ xe (tùy số chỗ); hỗ trợ cho đội ngũ 35 tài xế từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/ người để chăm sóc và bảo vệ tài sản. Trong khi đội xe không có doanh thu.
"Chúng tôi muốn hỗ trợ tài xế nhiều hơn. Tuy nhiên, đang trong giai đoạn khó khăn nên sẽ cùng chia sẻ để vượt qua", ông Dũng nói.
Nhiều địa phương trên cả nước đã đóng cửa điểm tham quan. Vì thế, các công ty du lịch bắt buộc dừng tour trong nước. Tour đi nước ngoài tạm ngưng. Các đơn vị lữ hành chuyên đón khách nước ngoài vào Việt Nam (inbound) không còn khách. Điểm đến trong nước cũng gần như không còn khách tới.
Thời điểm này, hầu hết xe vận chuyển du lịch đều nằm tại bến bãi. Ảnh được chụp ngày 23/3 tại bãi đỗ xe của công ty Thiên Thảo Nguyên. Ảnh: N.T.T. |
Với thị trường ảm đạm như vậy, các công ty chuyên về xe du lịch ảnh hưởng nặng. "Tháng 3, doanh thu của công ty không có. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cố gắng chi trả 50% lương cho đội ngũ 200 nhân sự, khoảng 1 tỷ đồng, bao gồm cả tài xế và nhân viên văn phòng. Tháng sau, mức lương của nhân viên có thể sẽ phải giảm chỉ còn khoảng 30%", ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty vận chuyển du lịch Thiên Thảo Nguyên cho biết.
Hiện nay công ty đang phải sử dụng quỹ dự phòng để chi trả tất cả. Với 150 đầu xe, công ty sẽ phải trả lãi và gốc cho ngân hàng là 1,6 tỷ đồng/ tháng và 150 triệu đồng/ tháng tiền thuê bến bãi. Tình hình dịch bệnh kéo dài chưa biết tới khi nào, ông Tùng đang tính đến phương án có thể sẽ phải bán bớt vài chiếc xe hoặc phải bán đi một căn nhà để có tiền chi trả lương cho cán bộ nhân viên của công ty và trả nợ ngân hàng.
Ông Trần Văn Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Phong Hà có đội xe hơn 20 chiếc các loại chuyên phục vụ khách du lịch, cho hay phải giảm nhân sự, chỉ giữ lại lái xe chính.
Theo ông Ngọc, lý do giữ lại lái xe vì để tuyển được lái xe khó, cần người có kinh nghiệm. Tuy nhiên, do tình cảnh khó khăn, công ty buộc phải giảm 60% lương của đội ngũ tài xế. "Doanh số công ty sụt giảm gần 100% cùng kỳ các năm. Vào thời gian này các năm, công ty có doanh thu 2 tỷ/ tháng. Tuy nhiên, nay chỉ còn khoảng 20 triệu", ông Ngọc nói.
Theo quan sát của ông, 100 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xe thì 99 công ty "đóng cửa" từ đầu tháng 3.
Xe nằm bãi và các chi phí doanh nghiệp vẫn phải gồng mình chi trả, như văn phòng, bến bãi, lương. Hiện công ty ông Ngọc đang đàm phán lại với các bên để giảm tiền thuê bãi. Một số lái xe mang xe về, để ở bãi đất trống gần nhà, giúp công ty giảm bớt tiền lưu xe.
Các công ty du lịch tập trung vào mảng lữ hành vẫn đầu tư xe nhưng với số lượng ít hơn. Tuy nhiên, với tình trạng "đóng băng" của du lịch thì các khoản vay nhỏ cũng trở thành gánh nặng lớn. Bà Lê Nem, Giám đốc Công ty du lịch Sài Gòn Luxury cho biết, với 2 chiếc 29 chỗ, mỗi tháng phải trả cho ngân hàng 50 triệu đồng.
Các doanh nghiệp du lịch thường chỉ đầu tư khoảng 30 - 40% vốn ban đầu, còn lại vay ngân hàng để mua xe. "Công ty đang phải dùng tiền tích lũy để trả nợ đúng kỳ hạn. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ rất khó khăn. Nếu không trả nợ đúng hạn, ngân hàng sẽ đưa doanh nghiệp vào diện nợ xấu. Khi đó, khó khăn sẽ càng khó khăn hơn", bà Lê Nem nói.
Từ giữa tháng 3, khi các đơn vị lữ hành Công ty dịch thuật Sài Gòn Blog "đóng tour", các công ty vận chuyển du lịch cũng lao đao theo. Trong khi thời điểm này các năm đang mùa cao điểm du khách như trong hình, xe đậu kín cả con đường ở Hội An. Ảnh: Đắc Thành. |
Phía Thiên Thảo Nguyên đề nghị các ngân hàng khoanh gốc và lãi đến cuối năm 2020 hoặc ân hạn gốc và lãi vay trong thời hạn 6 tháng để doanh nghiệp sử dụng nguồn tiền này vào tái đầu tư, phục vụ cho hoạt động của công ty. Đây cũng là mong muốn của nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch.
"Chúng tôi tha thiết mong được ngân hàng cho vay tín chấp với những chính sách ưu đãi. Doanh nghiệp sử dụng nguồn tiền vay này để duy trì hoạt động và đảm bảo đời sống cho nhân viên cũng như chi phí cố định", ông Nguyễn Thanh Tùng của Thiên Thảo Nguyên nói.
Ngành du lịch dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề thiên tai, dịch bệnh và hồi phục chậm. Ông Ngọc đã gửi các công văn đến ngân hàng đang hợp tác để hi vọng nhận được hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa nhận được phản hồi chính thức từ ngân hàng. Ông mong ngân hàng sớm có chính sách để giảm nỗi lo cho các doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, ông Trịnh Nguyễn Hùng Dũng cho rằng, "Chính phủ đã có chủ trương về hỗ trợ doanh nghiệp nên mong các bên có liên quan sớm thực hiện để doanh nghiệp bớt đi gánh nặng như hiện nay".
Kiều Dương – Nguyễn Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét