Động lực nào để khiến thầy Park đưa ra quyết định táo bạo?
Ngày 17/3, trợ lý ngôn ngữ Hàn – Việt Vũ Anh Thắng chia sẻ hình ảnh đang dạy tiếng Việt cho HLV Park Hang-seo, trợ lý Lee Young-jin. Ngay lập tức, hình ảnh gây ấn tượng mạnh trong những ngày dịch Covid-19 hoành hành.
Những câu hỏi tại sao được đặt ra về quyết định này với nhiều thắc mắc khi thầy Park đã ngoài 60 tuổi. Thực tế cũng cho thấy, người Hàn Quốc không quá đam mê học ngoại ngữ. Họ đề cao tiếng Hàn, muốn truyền bá nhiều hơn thông qua "làn sóng Hàn lưu" (hallyu), K-Pop. Quyết định ấy của thầy Park vì thế được nhận định đã đòi hỏi nhiều động lực.
HLV Park Hang-seo học tiếng Việt thông qua trợ lý ngôn ngữ Hàn - Việt Vũ Anh Thắng. Ảnh: FB J.V.
Trong vài gạch đầu dòng, động lực lớn nhất của HLV Park Hang-seo là việc ông thật sự muốn gắn bó với Việt Nam dài lâu, nơi ông coi là quê hương thứ hai như nhiều lần chia sẻ. Không chỉ là chuyên môn huấn luyện, ngôn ngữ giúp ông hiểu hơn, kết nối mạnh mẽ hơn với các học trò mỗi lần đội tuyển tập trung. Và đừng quên, HLV Park Hang-seo còn ấp ủ cùng VFF kế hoạch giúp bóng đá trẻ Việt Nam phát triển kể cả khi không còn được làm HLV trưởng các ĐTQG.
Cách lý giải ấy cũng ứng nghiệm với một trường hợp khác mang tên Chanathip Songkrasin. Tiền vệ xuất sắc của bóng đá Thái Lan sau hơn 2 năm đèn sách cũng đã có thể nói tiếng Nhật Bản trôi chảy.
Câu chuyện học tiếng Nhật của Chanathip chứa đầy sự thú vị như việc anh chọn cách mua cả bộ One Piece để vừa đọc giả trí, vừa học ngôn ngữ (Đảo hải tặc - bộ truyện tranh có năm thứ 11 liên tiếp bán chạy nhất Nhật Bản). Đến giờ đây, anh cũng chia sẻ cách làm của mình cho đồng đội Kawin Thamsatchanan vừa chuyển đến cùng CLB Consadole Sapporo. Ngày hôm qua (18/3), thủ môn đội tuyển Thái Lan khoe trên trang cá nhân với 1 cuốn One Piece trên tay.
Chanathip Songkrasin cải thiện vốn tiếng Nhật thông qua việc đọc truyện tranh như One Piece. Ảnh: CS - Reddit.
Trước khi sang Nhật Bản vào giữa năm 2017, Chanathip đã bắt đầu mua sách dạy tiếng Nhật về tự học. Sang đến xứ sở mặt trời mọc, anh thuê thêm gia sư, nhờ thêm cộng đồng người Thái ở nơi đây. Đến giữa năm 2018, Consadole Sapporo chìa ra bản hợp đồng có thời hạn 5 năm với Chanathip. Anh đồng ý và động lực học tiếng Nhật càng dâng cao.
Chanathip Songkrasin giờ đây không chỉ là trường hợp thành công trong chiến dịch xuất khẩu cầu thủ của bóng đá Thái Lan. Anh giờ đây còn là đại sứ, cầu nối giữa bóng đá xứ sở chùa vàng với Nhật Bản khi vừa đáp ứng chuyên môn, vừa có trong tay ngoại ngữ, đặc biệt lại là tiếng địa phương nơi mình thi đấu.
Chuyện của HLV Park Hang-seo cũng vậy. Nếu việc học hành tiến triển tốt, ông sẽ càng hiểu hơn văn hoá của Việt Nam và mối quan hệ giữa hai nền bóng đá sẽ có thêm một lợi thế.
Nếu thầy Park nói tiếng Việt tốt thì đó là tin vui với mối quan hệ giữa hai nền bóng đá Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Đỗ Linh.
Động lực của cầu thủ Việt Nam là động lực nào?
Nếu Văn Hậu không được SC Heerenveen gia hạn hợp đồng thì anh có còn trau dồi tiếng Anh nữa hay không?
Câu trả lời là có, vì Văn Hậu vẫn còn khao khát tiếp tục ra nước ngoài, chuẩn bị trước vốn liếng sẽ không bao giờ lo lỗ. Kể cả sang các nước ít nói tiếng Anh như khu vực Đông Á, Văn Hậu vẫn sẽ có lợi thế để hoà nhập tốt hơn. Thế nhưng, nếu Văn Hậu quyết định gắn bó dài lâu với Hà Nội FC thì động lực để tiếp tục cải thiện ngoại ngữ chắc chắn sẽ gặp rào cản.
Vấn đề của cầu thủ Việt Nam là không cảm thấy cần thiết phải học ngoại ngữ vì hầu hết chỉ tập trung thi đấu trong nước và đấy là điều bình thường của thế giới bóng đá. Nhiều cầu thủ Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog Thái Lan, Hàn Quốc,… cũng không khác những đồng nghiệp Việt Nam.
Với những cầu thủ thuộc tốp đầu của bóng đá Việt Nam, động lực ra nước ngoài thi đấu không xuất hiện nhiều. Nó bắt nguồn từ trạng thái an toàn, cảm thấy ổn định và đủ đầy khi chơi bóng trong nước. Nếu ra nước ngoài, họ sẽ đối mặt với nhiều vấn đề, phải học thêm ngoại ngữ, nỗ lực nhiều hơn, cạnh tranh nhiều hơn.
Huyền thoại bóng đá Indonesia Bambang Pamungkas từng chia sẻ: "Tôi cảm thấy mình là vua khi thi đấu trong nước. Tôi được trả nhiều tiền, được nhiều người biết đến. Tại sao tôi phải chọn ra nước ngoài khi sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó đoán?". Cựu tiền đạo Lê Công Vinh cũng từng nhắc lại quan điểm này khi bàn luận về vấn đề xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam.
Văn Hậu, Văn Lâm, Công Phượng, Xuân Trường là những cầu thủ Việt Nam hiểu rõ nhất tầm quan trọng của ngoại ngữ khi thi đấu ở nước ngoài. Ảnh: Hiếu Lương - STVV - Buriram United - SC Heerenveen.
Trừ Đặng Văn Lâm và Xuân Trường, chưa cầu thủ Việt Nam nào trụ được đến 2 năm liên tiếp ở nước ngoài, cũng là hai cầu thủ có vốn ngoại ngữ tốt nhất hiện tại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất khó để cầu thủ Việt Nam có thể học tốt ngoại ngữ khi còn cắp sách tới trường. Chính vì vậy, phương án vừa xuất ngoại vừa học như Văn Hậu hiện tại vẫn được xem là hợp lý hơn.
Shinji Kagawa, cầu thủ người Nhật Bản, khi chuyển từ Đức sang Anh thi đấu cho Manchester United cũng không nói được nhiều tiếng Anh. Sau đó, anh vừa tập luyện, thi đấu, vừa hàng ngày học thêm. Cộng đồng nơi mình sinh sống cũng là điều kiện tốt để khả năng ngoại ngữ được cải thiện nhanh hơn.
Duy trì động lực xuất ngoại, nỗ lực gấp đôi để học ngoại ngữ song song với tập luyện và thi đấu, điều này rất vất vả nhưng có lẽ là phương án tốt nhất đối với giới cầu thủ Việt Nam ở thời điểm hiện tại trong nỗ lực trở thành "cầu thủ quốc tế".
Văn Hậu tự tin trao đổi với đồng đội trong trận đấu. Nguồn: Tuyền Lê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét